Phụng hoàng đạt kỷ lục Châu Á năm 2012

Kỷ lục châu Á từ chiếc bánh đậu xanh Tác phẩm Phượng hoàng vũ vừa nhận được danh hiệu Kỷ lục châu Á - của hai mẹ con nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà và Phan Tôn Tịnh Hải trở thành một trong những tâm điểm chú ý trong buổi hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam vào sáng 27-10.

Phượng hoàng vũ rực rỡ nhiều màu sắc, sống động, thanh thoát. Khách tham quan không khỏi mỉm cười thú vị, bởi vì hình tượng chim phượng hoàng (chiều dài 6,8 m, rộng 4,2 m) được hình thành từ…

hơn 5.000 chiếc bánh đậu xanh ghép lại! Rất khéo, rất nhã. 
Thổi hồn vào món ăn
Ai đã từng một lần đặt chân đến cố đô Huế, hẳn không thể không nghe nhắc tới “Tịnh gia viên” theo kiểu kiến trúc nhà vườn, rất đẹp. Chủ nhân là nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà. Tuổi đã 70 nhưng thần thái thanh tao vẫn còn hiển hiện trên khuôn mặt của bà.
“Tác phẩm Phượng hoàng vũ nhận được sự đồng cảm không chỉ từ người trong nước mà còn từ nhiều vị khách quốc tế ở châu Á. Điều này làm cho tôi rất cảm kích và hạnh phúc” - bà Tôn Nữ Thị Hà cất giọng ôn tồn nói trong dịp bà vào chung vui tại khách sạn Rex - “Đã rất lâu, tôi nuôi mơ ước làm sống lại một đặc sản ẩm thực cung đình Việt Nam xưa, dù biết rằng rất khó, đòi hỏi nhiều công phu…”. 
Theo một giai thoại ghi chép trong sách vở, cách đây khoảng 90 năm, nhân lễ tứ tuần của vua Khải Định, một nghệ nhân đã thực hiện chiếc bánh dâng vua, tục gọi là “cổ độ”. Vua đã chia sẻ món bánh đặc biệt này cho quần thần cùng dùng. 
“Tôi được đào tạo bếp núc trong cung vua từ năm 10 tuổi, được dạy làm từng chi tiết như vảy rồng, móng lân, cánh chim phượng hoàng. Tất cả nằm sâu trong tiềm thức của tôi. Trong thâm tâm, tôi muốn phục dựng nghệ thuật làm bánh trong cung đình…” - bà Hà hãnh diện kể lại. Khi nhắc tới giai thoại vừa dẫn, nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà gọi đó là một giá trị “nhân văn”, với hàm ý sự hòa đồng giữa vua tôi với nhau.
 
Tác phẩm Phượng hoàng vũ làm bằng bánh đậu xanh.
Phượng hoàng vũ chinh phục người thưởng ngoạn, trước hết ở “bản phối màu” hài hòa: màu xanh của bánh đậu, màu vàng của bí, màu đỏ của gấc… 
Để tạo hình chim phượng hoàng từ 5.000 chiếc bánh đậu xanh (được gắn với nhau bằng 5.000 cây tăm tre), như nhiều vị khách tấm tắc thừa nhận, “nghề chơi cũng lắm công phu”. Bánh phải được sấy khô để có thể giữ lâu và thuận lợi trong ráp hình. Và điều quan trọng hơn cả là tài năng của nghệ nhân: kết nối những chiếc bánh sao cho “hóa thân” thành chim phượng hoàng đang múa, uy vũ mà thanh thoát. 
Tác phẩm Phượng hoàng vũ phải nói là kỳ công, tạo sự thảng thốt ngay cả đối với những người từng biết tài năng của nghệ nhân cao niên Tôn Nữ Thị Hà qua một số chương trình hướng dẫn nấu ăn, dinh dưỡng trên kênh VTV2 bấy lâu.
Bà Hà mỉm cười khi nhớ lại quá trình chế tác phượng hoàng gặp phải sự cố. Bà nói: “Phượng hoàng đã làm xong thì… tôi quên “điểm nhãn”. May thay tôi tìm được viên bi của trẻ con gắn vào để làm con mắt. Chưa hết, còn thiếu con ngươi nữa chứ! Thế là tôi lấy một viên thuốc nghiền ra, trộn với bột nếp để hoàn thành quá trình điểm nhãn”.
Ái nữ của bà là nghệ nhân Phan Tôn Tịnh Hải, cùng tham gia chế tác Phượng hoàng vũ. Chị Tịnh Hải vừa đẹp người vừa giỏi nghề. Trong giới du lịch, có không ít người công nhận điều này khi họ giới thiệu du khách đến nhà hàng Lá thơm để thưởng thức ẩm thực và đến tham quan trường MINIT trên Gò Vấp của chị Tịnh Hải để tìm hiểu về nghề làm bếp. 
 
Nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà (trái) và nghệ nhân Phan Tôn Tịnh Hải nhận bằng kỷ lục châu Á.
Khi được hỏi ai là người giữ vai trò chính để hoàn thiện tác phẩm Phượng hoàng vũ, chị Tịnh Hải một mực dành sự trọng kính cho người mẹ. “Tôi thấy vui cho mẹ, dù mẹ đã cao tuổi nhưng ngọn lửa đam mê không bao giờ tắt. Mẹ điều nghiên kỹ năng làm bánh đậu xanh truyền thống, tôi phối hợp về ý tưởng, tính toán, cách làm… Tôi vui khi nghệ thuật ẩm thực Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm, đam mê”. 
Nghệ nhân Phan Tôn Tịnh Hải tỏ ra khiêm tốn khi thường xuyên nhắc đến sự góp sức của bạn bè, đồng nghiệp, học viên… trong quá trình tìm tòi, chế tác “điệu múa chim phượng hoàng” bằng bánh. 
“Đại sứ ẩm thực tự nguyện”
“Khi làm chiếc bánh Phụng hoàng vũ, người nghệ nhân không chỉ thể hiện tài khéo thủ công mà còn tìm hiểu cách phối hợp màu sắc từ nhiều loại rau quả…” - chị Phan Tôn Tịnh Hải nhoẻn nụ cười duyên dáng trước khi buông câu nói kế tiếp - “Tôi nghĩ, đó còn là cách gián tiếp để mình tôn vinh trái cây và công sức của người nông dân xứ mình”. 
Chị Tịnh Hải cho biết thêm: “Tôi đã chuẩn hóa 80% các món ăn Việt để có thể quảng bá ra quốc tế. Có làm như vậy thì món ăn thức uống Việt Nam mới vang xa hơn”. Những cuốn sách như Gia vị Việt Nam, Chế biến món ăn Việt Nam đang được chị cập nhật, biên soạn. 
“Còn văn hóa là còn tất cả” - chị Tịnh Hải chia sẻ bằng giọng nói dịu dàng mà cương quyết. Trong đó, dĩ nhiên không thể thiếu văn hóa ẩm thực.
Bà Tôn Nữ Thị Hà thao thức trong tâm nguyện: “Mỗi người hãy là đại sứ quảng bá ẩm thực để Việt Nam có thể trở thành bếp ăn của thế giới, như ông Phillip Kotler - “cha đẻ” của marketing hiện đại từng gợi ý”. 
Thật tuyệt, khi con gái của bà - nghệ nhân Phan Tôn Tịnh Hải trở thành “đại sứ ẩm thực” tự nguyện mà bài học “đại sứ” không ở đâu xa. Ngay trong mái ấm gia đình của Tịnh Hải. Chồng chị, Tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong, đã là “đại sứ” tự nguyện không mệt mỏi để quảng bá âm nhạc truyền thống Việt hàng chục năm qua.