Tôn Nữ Thị Hà - Truyền Nhân Ẩm Thực Cung Đình Triều Nguyễn

Nhìn ở bà toát lên hình ảnh người phụ nữ Huế xưa, được nuôi dưỡng trong gia đình hoàng tộc nền nã và nghiêm trang. Nhưng thật bất ngờ nếu biết được đó chính là người đã được đưa vào sách kỷ lục Guinness Việt Nam

Những thành tích đã đạt được

Bà được bình chọn là người phụ nữ từng học và làm 16 nghề khác nhau: nấu ăn, trồng cây kiểng, ngành y, nhiếp ảnh, vẻ chân dung, đúc chậu, dạy học, phiên dịch, pha rượu, làm bánh... Trong đó, người phụ nữ ấy được biết đến nhiều nhất với danh hiệu truyền nhân của ẩm thực cung đình Huế. Đó chính là chân dung phác thảo của nghệ nhân, bàn tay vàng Tôn Nữ Thị Hà.
Bà Tôn Nữ Thị Hà với những thành tích đã đạt được.
Một học viên nước ngoài được bà Tôn Nữ Thị Hà dạy trình bày các món ăn cung đình Huế.
Thế nhưng, thay vì khởi đầu từ ẩm thực cung đình, điểm xuất phát của bà lại từ chức danh là một cán bộ y tế, chuyên viên dinh dưỡng tại Bệnh viện Quảng Trị. Sau đó, bà may mắn được tham gia lớp tập huấn 6 tháng tại Viện Dinh dưỡng Việt Nam ở TP. Hồ Chí Minh, rồi trở thành Trưởng Ban Dinh dưỡng bệnh viện Trung ương Huế, chuyên phục vụ 1.200 bệnh nhân/ ngày với việc nấu các món ăn theo bệnh lý để điều trị cho bệnh nhân.
 
Năm 1972, bà chuyển sang dạy ở Trường Cán sự y tế điều dưỡng Huế và vinh dự được Bộ y tế cho tham gia lớp học 360 món ăn Âu, Á. Sau đó, bà được lọt vào tốp 1/12 người duy nhất ở Huế, theo đoàn của Bộ y tế sang Irắc hợp tác nấu ăn tại Bệnh viện phụ sản Irắc và một số khách sạn ở đó.
 
Bước ngoặc quyết định sự nghiệp của bà bắt đầu từ năm 1993, khi ông Đại sứ người Ý đến Bệnh viện Trung ương Huế kiểm tra về tính khả thi của dự án lập Trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng. Lúc đó, bà Hà được lãnh đạo giao nhiệm vụ nấu một bữa ăn gia đình chiêu đãi ngài Đại sứ. Ăn xong, ông Đại sứ tấm tắc khen và khuyên bà nên mở nhà hàng để phục vụ các món ăn cung đình Huế. Với niềm đam mê ẩm thực vốn có, cùng với chuyên môn của một chuyên viên dinh dưỡng, bà đã quyết định mở nhà hàng và trở thành Nhà hàng vườn Tịnh Gia Viên nổi tiếng của cố đô Huế hôm nay.
"Cơm cung đình" tại Tịnh Gia Viên nổi tiếng là nhờ vào "Bàn tay vàng" của bà Tôn Nữ Thị Hà chế biến
 
Vẫn luôn học tập, nghiên cứu
Từ một chuyên gia dinh dưỡng bà về với ẩm thực cung đình, tên tuổi Tôn Nữ Thị Hà trở thành một khuôn mẫu cho các món ăn ẩm thực cung đình. Bà đã được mời giảng dạy về ẩm thực cung đình Huế tại nhiều thành phố trong cả nước và đã đi thỉnh giảng ở 15 quốc gia như Pháp, Ý, Bỉ, Tây Ban Nha và cũng đã được mời làm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo một cuộc thi ẩm thực tại Tây Ban Nha.
 
Không dừng lại ở đó, để hoàn thiện khả năng về nghề bếp của mình, bà học thêm lớp phiên dịch Anh ngữ để có thể tự giao tiếp với người nước ngoài, học pha chế thực phẩm, làm bánh Tây, nấu ăn Nhật Bản, pha chế rượu Bartender... Ở người phụ nữ này, ngoài ẩm thực còn có một niềm đam mê khác, Bà cho biết: "Tôi thích cây cảnh và nhiếp ảnh, tôi đã đi các nơi sưu tầm và xem. Trong 40 năm chơi cây cảnh tôi đã đi, đến nhiều vùng có những loại đá đẹp, đến đâu tôi cũng sưu tầm đá, những loại không biết thì kiếm sách về đọc. Có dịp đi dạy ở các nước, tôi lại sưu tầm đá".
 
Ngoài hàng trăm loại cây cảnh quý hiếm trong ngôi nhà vườn Tịnh Gia Viên, thì bộ sưu tập đá với hơn 120 loại đá tự nhiên được sưu tầm khắp nơi từ trong nước cho tới những nơi trên thế giới mà bà đã đi qua, trong đó có nhiều loại đá quý và hiếm như Ru bi, Thạch Anh lửa, Can xidon, Topal xanh, Peridot, Gasper, Cotin, Gỗ hóa thạch...
Bà Hà vẫn luôn học tập, nghiên cứu.
Với niềm đam mê nghệ thuật và sự cống hiến không mệt mỏi để bảo tồn và phát triển các món ăn cung đình Huế, bà Tôn Nữ Thị Hà đã vinh dự đoạt nhiều danh hiệu, bằng khen cao quý, đó là Bằng pha chế rượu Bartender, Bếp Nhật, danh hiệu nghệ nhân Bàn tay Vàng do Bộ Công nghiệp trao tặng. Điều khiến mọi người ngạc nhiên hơn, đó là năm 2004, sách kỷ lục Guinness Vietnam đã bình chọn bà là người phụ nữ từng học và làm 16 nghề khác nhau, đó là nghề nấu ăn, trồng cây kiểng, ngành y, nhiếp ảnh, vẻ chân dung, đúc chậu, dạy học, phiên dịch, pha rượu, làm bánh...
… Và "không có anh, em không có được ngày hôm nay"
 
Giữa ngôi nhà hàng vườn rộng gần ngàn mét vuông ẩn mình nơi con phố Lê Thánh Tôn, trong một khu vườn bonsai xanh mướt và hòn non bộ cao ngất của cố đô Huế - Tịnh Gia Viên, bà Tôn Nữ Thị Hà là hình ảnh khắc họa nhất của người phụ nữ Huế xưa nền nã trong cách cư xử, hạnh phúc bên gia đình.
 
Sau chuỗi ngày rong ruổi khắp năm Châu, để truyền dạy về nghệ thuật chế biến món ăn và đạt được niềm đam mê là giới thiệu được món ăn cung đình "chính hiệu" từ cách chế biến cho đến tỉa rau củ quả đến với mọi người. Trở về nhà, ngày ngày bà lại cùng chồng vui thú trước những thế dáng cây mới, một loại đá mới sưu tầm được hay dạy các con cháu cách lựa chọn thực phẩm, chế biến món ăn.
Hạnh phúc bên gia đình.
Nhà hàng vườn Tịnh Gia Viên nổi tiếng.
Bà chậm rãi nói: "Là phụ nữ thì điều đầu tiên phải biết, đó là nấu ăn. Phải biết chắt gọt những mảnh nhỏ ấy trong đời sống, để ghép thành chiếc thuyền lớn hạnh phúc vững bền. Dẫu bận rộn, song, cứ mỗi lần có thời gian là tôi lại tự tay chế biến các món ăn cho chồng con. Với mỗi món ăn, tôi luôn gửi gắm tất cả tài năng và tâm hồn mình vào đó. Tôi nấu những món ăn cho gia đình bằng cả trái tim, sự đam mê và nhiệt huyết thì tôi mới có thể đem đến cho thực khách của tôi những món ăn ngon được".
 
Để có được những thành công như ngày hôm nay, bà nói đầy tự hào: "Nếu không có anh ấy, tôi sẽ không thể có được ngày hôm nay". Với bà, ẩm thực, cây cảnh, nhiếp ảnh... tất cả đều cần đến yếu tố thẩm mỹ. Nếu tâm không tịnh thì không thể thành công được và với người đàn bà thì đó chính là người chồng yêu thương và biết chia sẻ với niềm đam mê của vợ.
 
Người chồng từng là Phó chủ tịch MTTQ tỉnh Thừa Thiên Huế và là một nhạc sỹ, nay là chủ tịch Hội sinh vật cảnh Thừa Thiên Huế chính là niềm tin, là động lực cho bà theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng của mình. Có sự cứng rắn, nghiêm khắc của người cha, sự mẫu mực của người chồng và tình thương yêu của người mẹ trong bà, mà nay bà có được 4 người con, 1 trai 3 gái đều thành đạt và có vị trí xã hội. Trong đó nối gót niềm đam mê của mẹ, cô con gái út Phan Tôn Tịnh Hải cũng theo nghiệp mẹ, hiện là chủ nhà hàng Lá Thơm có tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh và là giáo viên dạy kỹ thuật chế biến món ăn tại một Trường nghiệp vụ du lịch ở đó.
 
Giờ đây, dù đã qua tuổi 65, tuổi tác và điều kiện gia đình đã có thể cho phép bản thân vui vẻ tuổi già, nhưng hàng ngày bà Tôn Nữ Thị Hà vẫn say sưa với công việc và niềm đam mê không ngừng nghỉ của mình. Đêm nào bà cũng ngồi thâu đêm để đọc sách, suy nghĩ về các món ăn, ghi lại những sự kiện trong ngày để đúc kết thành kinh nghiệm. Thi thoảng, bà lại vạch ra những dự định cho tương lai, vạch ra những con đường mà Tịnh Gia Viên phải đi để thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình, ước mơ về một thế giới ẩm thực cung đình Huế.
 
Bà nói: "Với tôi bây giờ không phải là làm kinh tế nữa, mà chính là làm vì niềm tin, tin vào một sự thật món ăn cung đình chính hiệu sẽ được công nhận và sẽ có một khuôn mẫu được đưa ra, chứ không phải bị lai căng như nhiều nơi đang cho là phục vụ món ăn cung đình như hiện nay". Ước mơ mà bà đang hướng đến là hoàn thành quyển sách ghi lại những món ăn, cũng như cách bài trí để truyền lại cho các thế hệ sau này, để họ lại tiếp nối bà nâng niu, trân trọng những giá trị văn hóa ẩm thực quý báu mà cha ông đã dày công vun đắp, giữ gìn hương sắc cho Huế ngày sau.
 
Đồng thời, bà sẽ hoàn thành Tịnh Gia Viên 2 với kinh phí đầu tư trên 7 tỷ đồng ở khu du lịch nhà vườn Phú Mộng - Kim Long. Ở đó, bên cạnh nhà hàng có sức chứa 700 thực khách và nhiều dịch vụ du lịch khác, bà sẽ thành lập 3 trường dạy học, đó là: Trường Nghệ thuật ẩm thực, Trường Chăm sóc cây cảnh và Trường Nghệ thuật chăm sóc con người.